Dược sĩ Nghiệp vụ Dược tại bệnh viện!
Vai trò của Dược sĩ Nghiệp vụ Dược được quy định chi tiết theo Thông tư số 22/2011/TT-BYT.
Vai trò của Dược sĩ Nghiệp vụ Dược được quy định chi tiết theo Thông tư số 22/2011/TT-BYT. Nhưng để dễ hiểu hơn, thì vẫn dựa trên quy định của văn bản Luật, nhưng mình sẽ diễn giải những vai trò đó theo trải nghiệm và quan sát của cá nhân nhé!
1. Tổng quan vai trò của Dược sĩ Nghiệp vụ Dược tại khoa Dược bệnh viện:
Thông tư 22/2011/TT-BYT quy định cơ cấu tổ chức khoa Dược gồm một số bộ phận cơ bản. Trong đó, bộ phận Dược lâm sàng - thông tin thuốc có vai trò cung cấp kiến thức thông tin sử dụng thuốc cho bác sĩ và bệnh nhân, bộ phận kho và cấp phát thuốc chịu trách nhiệm chính trong việc xuất - nhập thuốc, nhà thuốc đảm nhận việc cung ứng thuốc ngoại trú, thì Nghiệp vụ Dược là bộ phận dường như sẽ xuất hiện trong mọi hoạt động của khoa Dược và các bộ phận khác với vai trò kiểm tra, giám sát, cập nhật văn bản Luật để đảm bảo khoa Dược hoạt động theo đúng theo quy định của pháp luật.
2. Vai trò cụ thể:
Điều 8, thông tư 22/2011/TT-BYT quy định 8 nhiệm vụ chính của Dược sĩ Nghiệp vụ Dược như sau:
Thứ nhất: thực hiện công tác kiểm tra quy định chuyên môn dược tại khoa Dược, các khoa lâm sàng và Nhà thuốc trong bệnh viện:
- Quy định chuyên môn Dược là gì?: là những quy định trong các văn bản pháp luật liên quan đến việc lưu trữ, sử dụng, bảo quản thuốc, đặc biệt với từng loại thuốc có quy định riêng, thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện - hướng thần - tiền chất, thuốc độc, thuốc phóng xạ,... Ngoài ra, tại mỗi bệnh viện, có thể sẽ có những quy định riêng để quản lý thuốc tại bệnh viện đó. Dược sĩ Nghiệp vụ Dược có vai trò đào tạo kiến thức, phổ biến cho các khoa/phòng đảm bảo thực hiện, đồng thời chịu trách nhiệm kiểm tra, thanh tra định kỳ để xem xét việc thực hiện có theo quy củ hay không.
Thứ hai: Cập nhật thường xuyên các văn bản quy định về quản lý chuyên môn, tham mưu cho Trưởng khoa trình Giám đốc bệnh viện kế hoạch phổ biến, triển khai thực hiện các quy định này tại các khoa trong bệnh viện
- Văn bản pháp lý thỉnh thoảng sẽ có cập nhật, hoặc thậm chí cập nhật liên tục (như thời gian có Covid-19), Dược sĩ Nghiệp vụ Dược có nhiệm vụ liên tục theo dõi sự thay đổi đó để tham mưu cho Trưởng khoa Dược duyệt triển khai cho khoa, đảm bảo các hoạt động của khoa Dược được thực hiện đúng quy định pháp luật.
- Các văn bản này có thể được cập nhật tại website Sở Y tế sở tại, hoặc website Cục quản lý Dược
Thứ ba: Đảm nhiệm việc cung ứng thuốc
- Tại bệnh viện mình Dược sĩ Nghiệp vụ Dược sẽ thực hiện việc cung ứng thuốc gây nghiện - hướng thần - tiền chất. Vì đây là dạng thuốc kiểm soát đặc biệt, nên sẽ cần thực hiện rất gắt gao theo quy định tại Thông tư 20/2017/TT-BYT, bao gồm từ lúc kiểm soát việc cấp phát, sử dụng, theo dõi sổ sách, theo dõi tồn kho, đặt thuốc, theo dõi thuốc về kho, bảo quản trong quá trình sử dụng. Báo cáo Sở Y tế định kỳ hàng năm và báo cáo trong một số trường hợp có phát sinh.
Thứ tư: Định kỳ kiểm tra việc bảo quản, quản lý, cấp phát thuốc tại khoa Dược.

Thứ năm: Kiểm tra việc sử dụng và bảo quản thuốc trong tủ trực tại các khoa lâm sàng.
Trong một bệnh viện, chỉ cần thuốc xuất hiện ở đâu thì nơi đó có vai trò của khoa Dược. Quy định chuyên môn Dược là quy định về việc bảo quản, cấp phát, sử dụng tại nơi có lưu trữ và sử dụng thuốc.
Định kỳ thì Dược sĩ Nghiệp vụ Dược sẽ đến các khoa phòng lâm sàng (nơi có thuốc lưu tại tủ trực để sử dụng nội trú cho bệnh nhân), đến nhà thuốc (nơi có kho lưu trữ thuốc ngoại trú), đến kho nội trú - cấp phát thuốc (nơi có kho lưu trữ thuốc nội trú) để kiểm tra việc bảo quản, cấp phát, sử dụng ở đó có tốt hay không.
- Kiểm tra cụ thể những gì?: những nội dung này sẽ có sổ theo dõi để thực hiện hàng ngày, bao gồm:
+ Bảo quản: nhiệt độ, độ ẩm có đảm bảo không (nhiệt độ không quá 30 độ C, độ ẩm không quá 75%)
+ Cấp phát, sử dụng: ghi chép sổ sử dụng có đầy đủ không, kiểm tra tồn kho trên phần mềm và thực tế có chênh lệch hay không
- Định kỳ là bao lâu?: ở bệnh viện mình thì định kỳ là mỗi quý 1 lần, như vậy 1 năm đi kiểm tra 4 lần. Nếu có sai sót cần ghi chú lại, nhắc nhở, trao đổi với khoa lâm sàng/khoa Dược để điều chỉnh. Nếu trường hợp sai sót quá nặng thì thường sẽ kiến nghị xử phạt. Và tất nhiên để làm được điều này thì trước đó khoa Dược cần phải tổ chức những buổi hướng dẫn, thông báo quy định, cách thức bảo quản, cấp phát, sử dụng cho từng nơi để nhân sự ở đó hiểu được và làm theo.
Thứ sáu: Đảm nhiệm việc kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng thuốc (nếu bệnh viện không tổ chức bộ phận kiểm nghiệm thì sau khi pha chế phải gửi mẫu cho các cơ quan có chức năng kiểm nghiệm thực hiện).
- Tại bệnh viện mình không có nội dung này
Thứ bảy: Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được Trưởng khoa Dược giao.
- Tại bệnh viện mình, Dược sĩ Nghiệp vụ Dược sẽ làm thêm một số vai trò khác như:
+ Đào tạo cho nhân viên khoa Dược, điều dưỡng các khoa Lâm sàng về việc thực hiện quy định chuyên môn Dược trong quá trình hoạt động
+ Quản lý danh mục thuốc bệnh viện
+ Thư ký Hội đồng thuốc và điều trị: sắp xếp lịch họp, chuẩn bị nội dung, thông báo đến các thành viên, ghi chú biên bản họp, theo dõi triển khai sau khi thống nhất nội dung trong cuộc họp.
+ Triển khai thực hiện sử dụng thuốc Bảo hiểm y tế (tại bệnh viện tư): đặt thuốc, theo dõi sử dụng thuốc, đảm bảo thuốc được thanh toán theo đúng quy định về bảo hiểm y tế
+ Thực hiện bộ hồ sơ 83 tiêu chí để định kỳ Sở Y tế về kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện
+ Thực hiện nghiên cứu đánh giá việc sử dụng thuốc theo ABC-VEN, kiến nghị thay đổi trình trưởng khoa Dược triển khai
+ Tổ chức hoạt động khoa: tổ chức cuộc họp, ghi chú, theo dõi triển khai thực hiện; lịch trực khoa định kỳ hàng tháng
+ Báo cáo các nội dung liên quan cho Trưởng khoa Dược, hoặc các báo cáo khác cho bệnh viện, tập đoàn…
+ Thực hiện thanh toán hóa đơn cho các nhà cung cấp thuốc vào kho thuốc khoa Dược
+ Các nội dung hành chính khác nếu có
Thứ tám: Chịu trách nhiệm trước Trưởng khoa Dược về nhiệm vụ được phân công.
Trên đây là một số nội dung công việc của Dược sĩ Nghiệp vụ Dược (và ghi chú thêm là tại bệnh viện mình chỉ có 1 vị trí Dược sĩ Đại học Nghiệp vụ Dược làm các công việc này), có thể ở những bệnh viện khác sẽ có thay đổi một chút, nhưng cơ bản là cũng sẽ làm những việc này vì nó thuộc quy định của Luật rồi.
Bài tiếp theo mình sẽ chia sẻ về việc đảm nhận vai trò này thì cần những tố chất, kiến thức, cũng như quá trình chuẩn bị như thế nào.