Mình thích cái gì?
Thời đại công nghệ, báo chí viết nhan nhản chuyện "con nhà người ta" mê cái này, yêu cái nọ, nhờ vậy mà chuyên tâm làm việc A và rồi thành công, giàu có, lại lên báo chia sẻ tiếp.
Thời đại công nghệ, báo chí viết nhan nhản chuyện "con nhà người ta" mê cái này, yêu cái nọ, nhờ vậy mà chuyên tâm làm việc A và rồi thành công, giàu có, lại lên báo chia sẻ tiếp.
Mình cũng là một Dược sĩ, hồi ở ghế giảng đường nhìn ra, và kể cả khi đã đi làm được vài năm, mình vẫn thắc mắc câu hỏi đó. Ban ngày nghĩ, ban đêm cũng nghĩ. Mình chuyển việc cũng 4,5 lần vì câu hỏi này. Từ một Dược sĩ, mình chuyển qua viết content cho vài chiến dịch marketing, viết lách làng nhàng ước mơ làm sáng tác, thiết kế được đôi ba cái poster quảng cáo nghĩ liệu có thể theo đuổi để trở thành designer hay không? Thậm chí có một thời nghĩ bỏ hẳn nghề Dược để đi tìm điều mình thích, để rồi cuối cùng nhận ra:
1/ Con người chúng ta là một thực thể phức tạp, không nhất thiết sẽ luôn phải cố định thích hoài một thứ, nghĩa là hôm nay bạn thích công việc này thì có thể ngày mai sẽ thích công việc khác thôi. Vì vậy hãy tìm những điều mang tính bất biến hơn là tìm một kiểu công việc mình yêu và gắn bó suốt đời.
Đối với mình bây giờ, điều tìm kiếm trước tiên là những đức tính khi đứng trước một công việc đã lựa chọn: theo đuổi, tận tâm và chăm chỉ tạo ra kết quả.
Mình nghe nhiều bạn tâm sự rồi, bảo không thích ngành Dược. Hỏi lý do tại sao thì chỉ trả lời đơn giản thấy không phù hợp. Hỏi tiếp thích ngành gì càng không trả lời được vì cái gì cũng chưa thử, hoặc thử cũng chẳng hết lòng tận tâm. Mình thấy không quan trọng bạn làm công việc nào, dù là bồi bàn tiếp tân, Dược sĩ bác sĩ, kỹ sư hay họa sĩ, việc trước hết là xây dựng tính cách gắn với chính mình: chăm chỉ hay lười nhác, tỉ mỉ hay xuề xòa, sắp xếp công việc tốt không, làm hoàn hảo đến mức nào.
Tuổi còn trẻ, không có nhiều cơ hội, trải nghiệm bề ngang về sự đa dạng ngành nghề không phải ai cũng biết nắm bắt. Thử nhiều ngành nghề quá hoặc chọn một ngành đi sâu quá đều mất thời gian như nhau, cái chính là sau khoảng thời gian đó bạn thu được vũ khí nào, kỹ năng hay kiến thức nào.
Nhiều khi điều cốt lõi của chúng ta không định nghĩa ở chỗ làm nghề nào, mà trước nhất là làm công việc - ngành nghề đó như thế nào!
2/ Làm điều đam mê, có thứ mình thích là một bài tập nâng cao, trước khi ở level cao cấp ấy, phải học bài tập cơ bản - làm tốt một công việc.
Ngành nghề mình học ở nhà trường chính là học công cụ cơ bản để nuôi bản thân trước tiên, lựa chọn tốt thì nghề nuôi mình chính là nghề mình mê và yêu thích, lựa chọn chưa tốt bằng thì có trước cái để sống rồi tính tiếp. Rất nhiều người vừa làm việc A, vừa tích lũy để chuyển sang việc B. Không phải không có cách, chỉ là gắng chưa tới mà thôi.
Có một thời gian tầm 1 năm mình xoay vòng trong hai chữ "đam mê" ấy, kiểu học Dược ra lại cứ thấy phải tìm cái gì "đam mê" mới chịu làm, cuối cùng mới bắt đầu hiểu điều xa xỉ ấy không phải sớm chiều mà tự nhiên ập tới, phải tích lũy, phải quan sát để ý, phải học dần học lần, và quan trọng nhất là phải sống trước rồi sẽ tiếp tục lần mò đi tới tìm cái mình yêu.
Làm tốt thì sẽ tìm ra, làm chưa tới thì cứ phải phấn đấu suốt đời, cũng là một đời sống thật đáng. Thiệt tình đâu mấy ai thành công chọn trúng cái đam mê chính là thứ nuôi mình.
Học cơ bản trước - rồi tới nâng cao, kiểu như trước khi "ăn ngon mặc đẹp" phải là "ăn no mặc ấm"
3/ Hãy cẩn thận và sáng suốt trước những lời khuyên.
Người đi trước có kinh nghiệm cho lời khuyên cũng tốt, nhưng mà cần ý thức là nên tham khảo thôi, khoan vội vàng nhất nhất làm theo, cho rằng chắc chắn đúng. Người ở tầm nhìn nào sẽ cho lời khuyên ngang mức tầm nhìn đó, đừng vì đôi ba lời của họ mà tự hạn chế chính mình hoặc đánh giá mình sai thực tế.
Phải nghe, nghe khách quan rồi tự đặt câu hỏi. Trải càng nhiều, gặp càng nhiều, quan sát càng nhiều để tầm nhìn rộng mở sẽ bớt u mê ai bảo gì nghe đó.
Bởi vậy, nên tương tự thì đọc bài này cũng chỉ là một lời khuyên.
---
Tóm lại, cuối cùng thì "Mình thích cái gì?", sẽ là một câu để ngỏ, không phải để quên, và trước khi trả lời được câu hỏi đó, chính bản thân phải làm đủ nhiều, phải rèn luyện đủ nhiều để một ngày thức dậy nhận ra "Ồ, mình thích cái gì hình như không còn quan trọng như thế nữa, vì dù làm gì, mình cũng là mình!"